Tìm kiếm Blog này

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TIỀN BẠC CHI TIÊU RỒI CŨNG HẾT, CHỮ ĐỂ MAI SAU NGHĨA MÃI CÒN

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

ÔNG CHƯỞNG... GIÁO



Người cùng phố vẫn quen gọi ông là ông Chưởng Tình, nhưng từ sau hôm ông làm… lễ động phòng thốt nhiên ông ấy mất hẳn tên, rồi đi đến đâu ông cũng thấy người ta thì thầm… gọi ông là ông Chưởng Giáo.
Nhận đích mình không làm nghề gõ đầu trẻ bao giờ, lần đầu ông Chưởng Tình còn cho là người ta cợt ghẹo.
Nhưng quả không, những người có tiếng là đứng đắn xưa nay như ông cụ thân sinh ông cũng gọi ông là “cậu Giáo” thì không lẽ ông cụ nhà ông cũng chế giễu ông!
Sự thay bực đổi ngôi ấy thật đã làm rối trí ông Chưởng Tình.
Thì mãi một ngày kia ông mới “khám phá” ra rằng người ta đã lấy chức nghiệp của vợ ông mà gán cho ông, nhưng độc bụng, không bảo trước cho ông biết.
Muốn tỏ lòng biết ơn người vợ đã mua danh diện cho mình, ông Chưởng Tình nhất định ở ra một ông chồng ngoan ngoãn, lễ phép. Sự tôn trọng, sự mến yêu ấy, ông đem bày hết ra trong mọi việc, những việc hàng ngày của ông.
Mới mờ đất, còn mắt nhắm mắt mở, ông vội choàng dậy, khẽ rón mười đầu ngón chân xuống đất, bước ra khỏi giường. Chưa kịp súc miệng, ông đã đánh thức người nhà dậy đun nước, sửa soạn món ăn lót lòng, rồi tự ông xếp trước ra bàn đủ phấn, son, gương, lược.
Muốn bà giáo Chưởng chẳng nhỡ giờ, hay nói cho đúng, muốn bà được ăn ngon, ông Chưởng… Giáo nhường để bà ăn lót dạ trước. Chừng ông nghĩ: mình ở nhà thì dạ dầy cần gì phải có cái lót, nên cầm đôi đũa dở của bà Giáo Chưởng, ông Chưởng… Giáo chỉ đưa lên gậm nốt mất cái xương.
Ở trường, bà Giáo ngồi vào bàn dạy học, thì ở nhà, ông Giáo cũng lên giường học – học cách đo giường! Những truyện thần tiên, những truyện kiếm hiệp được ông đem ra làm món ăn lót lòng thêm để chờ đến giờ tự tay ông kê lấy thực đơn cho người ra chợ mua thức ăn bữa sáng.
Cơm trên bếp úp nồi rồi, giờ ông Chưởng… Giáo chờ mong là giờ nhà trường tan học.
Thoáng thấy bóng bà Giáo về, ông Giáo đã vui mừng hí hửng, quấn quýt như một đứa bé con.
Ngồi vào bàn ăn, chưa kịp miếng thứ nhất, ông đã có một câu chuyện “làm quà” cho bà vui lòng. Ông khoe với bà con mèo nhị thể bên hàng xóm vừa đẻ được hai con mèo con, mỗi con có đủ cả hai mắt, hai tai và bốn cẳng!
Đỡ tăm nước cho bà rồi, ông còn thu dọn cho bà làm la-xiết.
Rồi buổi chiều cũng như buổi sáng, ông lại lên giường “học” truyện kiếm hiệp để và lên xe đến dạy học ở trường.
Những chiều tạnh ráo, ông chải đầu thật mượt, bận bộ áo tây thật mốt, đến cửa trường đón bà trước lúc buổi học tan. Ông khua can, huýt còi miệng, đi tản bộ quanh trường, cặp mục kỉnh long lanh, trông đúng cách một nhà mô phạm.
Đỡ tay bà len lỏi đi trong các phố đông, ông cố nhận những cái chào của các học trò bà, rồi nhìn dọc nhìn ngang, lấy sự được người chào làm vinh hạnh. Ông cất tiếng thật to chào lại các học trò, chớ không làm như bà là khẽ nghiêng đầu đáp, định bụng để ai cũng phải nghe tiếng và cũng để ý nhìn ông.
Ngoài những việc hàng ngày ấy, ông Chưởng… Giáo còn có cả những việc hàng tuần, hàng năm.
Mỗi tuần lễ, ông giúp bà làm ngót trăm cái tính cộng, cộng sổ nốt của các học trò một lần; mỗi năm một lần ông thu cất những bài chúc văn của học trò đọc mừng bà, viết trên những tờ giấy vẽ lòe loẹt cành hoa, con bướm.
Ông Chưởng…. Giáo chẳng như phần nhiều người, lấy sự sợ vợ làm thẹn.
Ông cho rằng người nào nhà “có phước” mới có số thân cư thê thiếp, lại ra ý khinh bỉ những kẻ “vô phước”, lấy phải những “con vợ” ngu đần!
Ở con mắt ông, bà Giáo… Chưởng là một “mảnh giấy giá thú sống”chứng nhận bà đã có chồng, một anh thợ nặn thật thà và ngoan, một bố máy chế hóa các thực phẩm ra… phân và tiêu thụ những truyện thần tiên, kiếm hiệp.
LINH PHƯỢNG
(Tác phẩm đăng trong mục Tập Ảnh, báo Ích Hữu số 2 ra ngày 25 Février – 2 Mars 1936)
© 2012 Blog NXB Tân Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét